Để đón được dòng vốn lớn vào các nhóm ngành lĩnh vực mà chúng ta muốn ưu tiên thu hút, vẫn còn những vướng mắc, trở ngại cần giải quyết, gắn với đó là cải thiện môi trường kinh doanh (MTKD) và sự chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện, nguồn lực để hiện thực hóa các mục tiêu.
Việt Nam vẫn là điểm đến ưa chuộng cho FDI
Tính từ đầu năm đến ngày 20/7/2024, thu hút FDI đạt trên 18 tỷ USD, tăng 10,9%; vốn FDI thực hiện đạt 12,55 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ, là mức cao nhất trong 5 năm qua. Có tới 18 trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân đã thu hút được đầu tư trong 7 tháng qua. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu cả về tổng vốn đầu tư (chiếm 70,3% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 15,7% so với cùng kỳ) cũng như về số lượng dự án. Tính lũy kế đến ngày 20/7/2024, cả nước có gần 41 nghìn dự án đầu tư nước ngoài (ĐTNN) còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 487 tỷ USD; vốn thực hiện khoảng 309,7 tỷ USD, bằng 63,6% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Nhìn lại quá khứ, dòng vốn FDI vào Việt Nam bắt đầu bùng nổ từ năm 2007 (năm chúng ta gia nhập WTO). Trong gần 20 năm qua, Việt Nam đã vươn mình trở thành một cứ điểm sản xuất lớn và hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Xuất khẩu đã tăng hơn 13% bình quân hàng năm từ 2007, chiếm lĩnh chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn ĐTNN.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 791/QĐ-TTg ngày 5/8/2024 thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, tư vấn, khuyến nghị, đề xuất phương hướng, giải pháp để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn; Chỉ đạo, phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan, tổ chức liên quan để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ là Trưởng Ban Chỉ đạo.
Một báo cáo mới đây của Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC nhấn mạnh Việt Nam vẫn là điểm đến ưa chuộng cho FDI. Theo đó, sự quan tâm của các tập đoàn đa quốc gia đối với Việt Nam tăng mạnh trong những năm qua xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến chi phí cạnh tranh và các chính sách hỗ trợ FDI. Ví dụ so sánh về chi phí lao động, mức lương nhân công sản xuất ở Việt Nam thấp hơn ở Trung Quốc và nhiều các quốc gia khác ở châu Á. Các chi phí khác, như năng lượng cần thiết cho vận hành sản xuất (điện, dầu diesel), ở Việt Nam cũng cạnh tranh hơn. Cùng với đó, Việt Nam cũng đạt được tiến độ đáng kể trong việc thiết lập những thỏa thuận kinh tế khác nhau với các đối tác thương mại, như hiệp định EVFTA và hiệp định CPTPP… Những yếu tố này đã hỗ trợ và tạo điều kiện cho ĐTNN, giúp Việt Nam trở nên ngày càng cởi mở hơn với FDI.
Đáng chú ý, chỉ trong khoảng một - hai tháng trở lại đây, các phương tiện truyền thông liên tục phản ánh nhiều thông tin tích cực về triển vọng thu hút ĐTNN vào Việt Nam thời gian tới. Theo đó, hàng chục tỷ USD vốn FDI các dự án lớn từ Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… có thể đổ vào trong tương lai không xa. Trong đó, bên cạnh lĩnh vực chủ chốt là ngành chế biến chế tạo, vốn FDI còn hướng đến các lĩnh vực khác như bất động sản (nhất là bất động sản công nghiệp), công nghệ cao, ngành bán dẫn, năng lượng tái tạo, dược phẩm… Rất có thể, đây là những dấu hiệu đầu tiên cho thấy những bước cụ thể hóa trong hợp tác kinh tế nói chung, thu hút FDI nói riêng sau những nỗ lực không ngừng nghỉ vừa qua của Việt Nam trong nâng cấp quan hệ với các đối tác chiến lược, đặc biệt trong đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư.
Báo cáo Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quý II/2024 của EuroCham cho thấy, phần lớn các lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu (gần 70%) khuyến nghị Việt Nam là điểm đến đầu tư. Điều này cho thấy sự tín nhiệm của các doanh nghiệp nước ngoài vào MTKD. Tâm lý tích cực này cũng có thể là động lực mạnh mẽ cho các nhà đầu tư mới cân nhắc đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên để hiện thực hóa được các cơ hội, thực sự đón nhận được dòng vốn vào các nhóm ngành lĩnh vực mà chúng ta muốn ưu tiên thu hút, vẫn còn đó những vướng mắc, trở ngại cần giải quyết, gắn với đó là sự chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện, nguồn lực.
Nỗ lực hóa giải, chủ động tham gia
Trong đó, quy định thiếu tính nhất quán; thủ tục hành chính trùng lặp, rườm rà; cơ sở hạ tầng (CSHT) cốt lõi chưa được hoàn thiện… nằm trong số những trở ngại chính cần giải quyết mà báo cáo BCI của EuroCham chỉ ra. Và đây cũng chính là những yếu tố Việt Nam cần tập trung ưu tiên để cải thiện MTKD. “Chúng tôi tin rằng, bằng cách hợp tác để giải quyết các rào cản hành chính và quy định, chúng ta có thể tạo ra một MTKD hiệu quả và hấp dẫn hơn, mang lại lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp”, ông Dominik Meichle, Chủ tịch EuroCham Việt Nam nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia HSBC, mức độ tham gia của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu đã tăng mạnh qua các năm, hiện tại có thể sánh với Singapore. Mặc dù vậy, sự gia tăng hội nhập lại chủ yếu diễn ra thông qua “liên kết ngược” nhiều hơn. Việt Nam hiện được định vị là trung tâm nhập khẩu đầu vào trung gian cho khâu lắp ráp cuối cùng, minh chứng là tỷ lệ nội địa hóa thấp trong ngành hàng điện tử (đã hội nhập sâu trong chuỗi cung ứng nhưng mới chỉ tập trung vào khâu lắp ráp cuối cùng của hàng điện tử gia dụng).
Vì vậy để duy trì dòng vốn đầu tư mạnh mẽ, điều quan trọng là Việt Nam phải vươn lên trong chuỗi giá trị sản xuất và nâng tỷ lệ nội địa hóa trong những hàng hóa này. So với mức tăng mạnh của xuất khẩu hàng điện tử tiêu dùng, tỷ trọng của Việt Nam trong xuất khẩu vi mạch tích hợp (IC) toàn cầu tăng trưởng với tốc độ chậm hơn. Bên cạnh đó, mặc dù lao động có nền tảng giáo dục vững vàng, song thiếu hụt nhân công có trình độ chuyên môn kỹ thuật dẫn đến những khó khăn trong phát triển năng lực sản xuất chất bán dẫn. Điều này thôi thúc Chính phủ phải tìm cách mở rộng nguồn nhân lực ngành bán dẫn trong những năm tới.
Đồng thời trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu được thực thi tại nhiều nước, bên cạnh cân nhắc về thuế, thì các yếu tố khác, chẳng hạn như chất lượng CSHT, cũng cần được cải thiện, nâng cấp. Các biện pháp như tận dụng số hóa để quy trình thương mại được thông suốt, đảm bảo năng lượng ổn định và xanh, cũng như tạo điều kiện cho vận chuyển hàng hóa thông qua cải thiện CSHT có khả năng ảnh hưởng tích cực đến những quyết định đầu tư của các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia trong những năm tới.
Bên cạnh nỗ lực tháo gỡ vướng mắc, tinh giản và hợp lý hóa các quy trình thủ tục hành chính, cải thiện MTKD thì sự chủ động từ chính các doanh nghiệp trong nước trong hợp tác thu hút đầu tư từ bên ngoài cũng rất quan trọng. Mới đây, FPT và công ty tư vấn tài chính FCC Partners (doanh nghiệp Đài Loan- Trung Quốc) đã ký bản ghi nhớ hợp tác, theo đó hai bên sẽ phối hợp chặt chẽ để nghiên cứu thành lập quỹ đầu tư phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam, nhằm phát triển nguồn nhân lực, thu hút ĐTNN ngành vi mạch bán dẫn… từ đó góp phần phát triển ngành bán dẫn tại Việt Nam. Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT, Việt Nam có rất nhiều lợi thế để tham gia ngành công nghiệp này. Tuy nhiên, chúng ta không còn nhiều thời gian để tận dụng cơ hội nên cần có những cách làm đột phá để nhanh chóng tham gia vào chuỗi bán dẫn toàn cầu.
Theo Thoibaonganhang.vn
Bài viết đóng góp, xin gửi về:
leanhpv@gmail.com