Được tạo bởi Blogger.

Kinh tế số tác động mạnh đến năng suất lao động của các doanh nghiệp


Năm 2024, Quốc hội đặt mục tiêu năng suất lao động tăng 4,8 - 5,3%. Các chuyên gia cho rằng, nếu không đẩy mạnh chuyển đổi số, kinh tế số, tạo ra việc làm số và việc làm trong môi trường số thì mục tiêu thu hẹp năng suất lao động với các nước trong khu vực ngày một xa vời.

Tại Hội thảo Quốc tế về các vấn đề đương đại trong Kinh tế, Quản trị và Kinh doanh lần thứ 6, được tổ chức ngày 23/11, các chuyên gia đánh giá kinh tế số tác động rất mạnh mẽ đến tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng như là năng suất lao động của các doanh nghiệp. Bởi trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tăng trưởng kinh tế không còn quá phụ thuộc vào lợi thế tài nguyên, địa chính trị hay nguồn nhân lực, mà là năng suất lao động dựa vào kinh tế số, nền tảng số.


Việt Nam đẩy mạnh phát triển kinh tế số để gia tăng năng suất lao động.

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, sản lượng nhóm ngành sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin tăng một đồng sẽ kích thích các ngành khác của nền kinh tế tăng lên 0,3 đồng; nhóm ngành truyền thông và nội dung số tăng sản lượng một đồng, kích thích các ngành khác tăng sản lượng 0,39 đồng; sản lượng nhóm ngành dịch vụ công nghệ thông tin tăng một đồng làm tăng sản lượng các ngành khác 0,28 đồng.

Các chuyên gia nhận định Kinh tế số, chuyển đổi số, xã hội số ngày càng dựa vào công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, nhưng con người vẫn là trung tâm, là nhân tố quyết định, nếu không, dù được trang bị công nghệ tối tân đến đâu, trí tuệ nhân tạo phát triển thế nào đi chăng nữa, thì cũng không thể tăng được năng suất lao động, hiệu quả lao động.

Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, dân số Việt Nam đang trải qua những thay đổi sâu sắc trong phân bố tuổi với quá trình chuyển đổi nhân khẩu học. Dự báo, năm 2035-2037, Việt Nam bước vào thời kỳ già hóa dân số. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng ngay từ bây giờ, nếu người dân không được trang bị kiến thức và làm việc trong môi trường số với công nghệ thay đổi chóng mặt, thì khi bước vào già hóa dân số sẽ thiếu lao động trầm trọng, tác động tiêu cực đến sự ổn định và phát triển kinh tế, xã hội.

Chia sẻ với  bên lề hội thảo, GS.TS Tô Thành Trung, Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho biết: "Tại Hội thảo nhiều diễn giả, chuyên gia đã trao đổi và chia sẻ các nghiên cứu về kinh tế số và nhận thấy kinh tế số tác động rất mạnh mẽ đến tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, cũng như là năng suất lao động của các doanh nghiệp".

Ông Trung cho rằng trong giai đoạn nền kinh tế đang gặp các vấn đề suy giảm về tổng cầu và khả năng năm nay tăng trưởng kinh tế không đạt được mục tiêu, kinh tế số sẽ là một trong những vấn đề cần phải chú ý. Bởi kinh tế số cơ bản sẽ ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài đến tổng cung của nền kinh tế, giúp tăng trưởng một cách bền vững.

"Kinh tế số hiện nay là một trong những động lực tăng trưởng rất quan trọng của nền kinh tế, đặc biệt là khi các động lực tăng trưởng truyền thống trước đây đang dần cạn kiệt", ông Trung nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo ông Trung chỉ còn hơn một tháng nữa là kết thúc năm, một số thành tố quan trọng của tổng cầu như đầu tư tiêu dùng, cán cân thương mại chưa đạt được tốc độ tăng trưởng mục tiêu. Vì vậy, thời gian còn lại của năm cần phải có những động thái để duy trì và tăng cường thêm tổng cầu.

Đưa ra các giải pháp để nền kinh tế tăng trưởng một cách bền vững, GS.TS Tô Thành Trung, cho rằng trong năm 2024 cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế số, tăng tổng cầu, cần phải tập trung vào các chính sách trọng cung như cải thiện về mặt thể chế cũng như pháp lý, tạo môi trường tốt nhất cho các thành phần của nền kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân hiện nay đang suy giảm rất mạnh.

"Thực tế hiện nay nhiều chính sách chưa hoàn toàn hướng về khu vực tư nhân, đặc biệt với doanh nghiệp vừa và nhỏ đang khó tiếp cận các nguồn lực về vốn, đất đai... Làm thế nào để tạo cho doanh nghiệp một môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi nhất, đó mới giải pháp tích cực và lâu dài", ông Trung nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, bản thân doanh nghiệp cần chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp dựa trên nền tảng số, thực hiện chuyển đổi số để nâng cao năng suất, sức cạnh tranh...

Phát biểu tại Diễn đàn quốc gia về kinh tế số và xã hội số mới đây, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Để phát triển kinh tế số, Việt Nam cần xây dựng thể chế số, hạ tầng số và niềm tin số. Kinh tế số phải dựa trên đổi mới sáng tạo số, phải tích hợp kinh tế số vào mọi ngành, mọi lĩnh vực.

Phát triển kinh tế số Việt Nam phải dựa trên 3 trụ cột, gồm: quản trị số; khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị cho nền kinh tế; phát triển các lực lượng sản xuất liên quan đến kinh tế số, trong đó lõi là công nghiệp ICT chiếm 20-30% và còn lại 70-80% là kinh tế số ngành, được sinh ra là do chuyển đổi số các ngành.

Theo vnbusiness.vn
Bài viết đóng góp, xin gửi về: vanhoavadoanhnghiep@gmail.com

TIN NỔI BẬT